Về tác giả

TẠI SAO TÔI LÀM KINH DOANH?

Tôi cố gắng với tất cả nhiệt huyết mình có, nhưng không ai đáp ứng. Tôi cố kể thêm các câu chuyện cười để tạo ra bầu không khí vui vẻ hơn, nhưng không một nụ cười đáp trả lại sự hài hước của tôi.

Tôi đang chia sẻ bài học Kinh Thánh trong một hội thánh nhỏ khoảng 20 người tại Bắc Ninh. Hầu hết những người đang nghe là phụ nữ nông thôn trạc ngoài 40 tuổi. Họ cầu nguyện rất nhiệt thành và lắng nghe rất chăm chú, nhưng khuôn mặt khắc khổ của họ cho tôi một thông điệp về những cuộc đời đang phải vật lộn với sự vất vả. Họ bám lấy Chúa không giống như những người khác mà tôi biết. Họ cầu nguyện lớn hơn, họ khóc nhiều hơn như thể đang kêu cứu và mong chờ một sự giải phóng nào đó của Chúa cho cuộc sống.

“Thầy Cường ơi cầu nguyện cho chị với.”

Một phụ nữ cầm theo đĩa ổi gọt sẵn trong tay tiến đến phía tôi trong khi tôi đang ngồi trò chuyện thông công với một nhóm người ở lại sau buổi nhóm. Ở đây mọi người đều trải chiếu ngồi dưới nền đất, ăn trái cây, giao lưu và cầu nguyện cho nhau sau buổi nhóm giống như một gia đình.

“Vâng, chị cần em cầu nguyện điều gì?”

Tôi quay về phía chị trả lời với nụ cười nhiệt tình. Đối diện tôi là một phụ nữ trung niên, nước da sạm đi với chiếc khăn quàng cổ như đang sẵn sàng cho một buổi chiều đội nắng buôn bán ngoài chợ.

“Chị nợ nhiều lắm!”

Chị còn chưa kịp nói gì thêm thì nước mắt đã chảy làm méo đi cả giọng nói.

“Vâng! Chị chia sẻ cụ thể hơn được không?”

“Chị mượn tiền người ta cho chồng chị sang Malaysia làm việc. Chồng chị đi được 2 năm rồi. Anh ấy đi làm gửi tiền về để trả nợ, chị buôn bán ngoài chợ để trả nợ, bây giờ con chị tốt nghiệp phổ thông, cháu đi làm cũng để trả nợ. Nhưng khoản nợ không hề giảm đi mà nó cứ tăng lên.”

“Vậy là sao? Chị vay như thế nào? Lãi bao nhiêu một năm?”

Tôi hỏi chị với đầy sự tò mò pha lẫn hoài nghi. Chị bắt đầu giải thích cho tôi từng khoản vay một và lãi ra sao. Chị khiến tôi hốt hoảng khi nhìn vào số nợ và số lãi kinh khủng chị đang phải gánh.

“Chị ơi, với số lãi như thế này chị không thể nào trả được hết nợ. Cái này là hoàn toàn phi pháp. Chị đang vướng vào tín dụng đen rồi.”

Chị không hề biết tính lãi. Chữ “phần trăm một năm” là một từ mới toanh trong từ điển của chị. Chị chỉ biết mỗi ngày mình phải trả bao nhiêu tiền lãi cho mỗi triệu chị vay mà thôi. Nếu buôn bán có tiền thì trả, nếu không chị lại đi vay lãi để trả lãi. Vậy là lãi mẹ đẻ lãi con.

“Chị ơi, chị vay xã hội đen à?”

“Không đâu thầy Cường ơi, ở đây vay tiền là vậy mà. Họ không phải xã hội đen đâu. Ở làng này ai cũng vay tiền theo cách này hết.”

“Sao lại thế được? Mọi người ơi!”

Tôi quay sang hỏi mọi người đang ngồi xung quanh:

“Mọi người, cho tôi biết vay tiền với số lãi này là bình thường hay bất thường?”

“Bình thường! Bình thường! Ở đây ai chẳng vay như thế.”

Tôi như chết lặng khi nhận ra những người con của Chúa ở đây đang làm nô lệ cho các chủ nợ. Vậy mà họ gọi đó là bình thường. Điều đó cho tôi biết lý do tại sao họ không thể nở một nụ cười tươi vào ngày Chúa nhật.

Ra về từ buổi nhóm ngày hôm đó tôi băn khoăn lắm. Càng đi nhiều nơi tôi càng thấy cảnh tượng này không chỉ có ở Bắc Ninh, mà nó diễn ra gần như ở mọi nơi tôi đến.

Người ta làm nô lệ cho nợ nặng lãi ở thành phố cũng như vùng sâu vùng xa. Thất nghiệp tràn lan. Chồng phải xa vợ. Bố mẹ gửi con cái cho ông bà chăm sóc để đi xa kiếm tiền với ước mong xây dựng một gia đình hạnh phúc, trong khi những đứa trẻ phải lớn lên mà không có cha mẹ bên cạnh, để rồi các em trở thành nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội.

Tất cả những điều này thường bắt đầu bởi không có công ăn việc làm, không có cơ hội kinh doanh, hoặc tệ hơn là không có tư duy kinh doanh để tạo ra các cơ hội việc làm và kiếm sống ngay tại địa phương.

Tôi nghe tiếng than thở của quá nhiều người. Nào là không có việc làm, nào là bí quá phải vay nợ, nào là sinh viên ra trường phải đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, nào là kinh doanh thất bại vì không có kiến thức, nào là làm nông dân không cho thuốc vào thì không bán được …

Tôi nghe nhiều đến nỗi tiếng than thở của họ trở thành tiếng than khóc của chính tôi với Chúa mỗi khi tôi cầu nguyện. Và lời cầu nguyện lâu ngày trở thành một gánh nặng trong lòng ép tôi phải làm một điều gì đó.

Mùa hè năm 2013, trong lúc cầu nguyện tôi cảm thấy mình cần tạm dừng công tác mục vụ một năm. Thật buồn cười là tôi không hề nghĩ có một ngày mình trở thành chuyên gia cố vấn và là nhà đào tạo kinh doanh và khởi nghiệp. Tôi chỉ muốn nghỉ để có thể nhìn lại, nhìn lên và nhìn vào bản thân mình, cũng là để tìm giải pháp cho các gánh nặng trong lòng. Tôi không thỏa lòng khi chỉ giảng những bài giảng giáo điều. Tôi muốn nhìn thấy cuộc sống người ta được biến đổi. Tôi thấy Chúa Giê-xu đến để biến đổi cuộc sống của những người gặp Ngài. Và tôi tin Ngài vẫn còn tiếp tục làm điều đó. Nhưng tôi phải thực tế với cuộc sống của người ta.

Cũng vào mùa hè năm đó, em trai tôi, Lê Minh Hoàng quyết định kinh doanh điện thoại di động với số vốn rất ít ỏi.

Anh em chúng tôi từ bé đã rất khác nhau và thường xảy ra xung đột bất kì chuyện lớn bé gì. Chúng tôi chưa bao giờ thực sự nói chuyện được với nhau quá 15 phút mà không tranh luận. Nhưng sau mùa hè năm đó, tôi không gần em với cương vị một vị giảng sư nữa, tôi giúp em kinh doanh. Chúng tôi cùng nhau bàn về chuyện bán hàng online, nhập hàng, tổ chức công việc nhân viên và marketing … Chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết của nhau.

Không ngờ, hai người đàn ông không thể nói chuyện với nhau khi làm việc chung lại thành tri kỉ. Không những thế, khi kết thúc một năm, chúng tôi nhận ra chúng tôi đã kiếm được số tiền mà có lẽ một người bình thường phải mất cả một đời người mới có thể làm ra được.

Hết một năm nghỉ công tác mục vụ tôi quay về Hà Nội và đã gặp được một người đặc biệt – bác Mario Brühlmann. Người đàn ông này đã giúp chuyển hướng cuộc đời tôi sang một sự kêu gọi hoàn toàn khác.

Bác Mario Brühlmann dạy tôi tư duy chiến lược, nhưng hơn hết mọi điều, bác mở mắt tôi rằng kinh doanh là một sứ mệnh giải quyết các vấn đề cách thực tiễn và có chiến lược. Người đàn ông này đã đi rất nhiều quốc gia, giúp hàng chục ngàn doanh nghiệp phát triển, tạo ra hàng trăm ngàn cơ hội việc làm mới qua sự đào tạo và cố vấn doanh nghiệp phát triển. Bác Mario đã gồm tóm tất cả công việc tuyệt vời của mình bằng câu “Đó là sự kêu gọi của Chúa cho cuộc đời tôi”.

Sự kêu gọi sao? Đây là lần đầu tiên tôi nghe về chữ “sự kêu gọi” nằm ngoài khuôn khổ tôn giáo. Làm kinh doanh cũng là một sự kêu gọi à? Giúp người ta thoát nghèo, giúp tạo ra công ăn việc làm, giúp những người chồng người vợ không phải xa nhau nữa, không phải xa con cái để đi kiếm tiền ở một đất nước khác cũng là sự kêu gọi à? Đi giúp người khác làm kinh doanh cũng là sự kêu gọi ư? Đi tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp để tạo ra sự tăng trưởng bền vững, giúp cộng đồng có công ăn việc làm và thịnh vượng hơn cũng là sự kêu gọi sao?

Ồ, tại sao lại không nhỉ? Tôi tin mọi người vốn là con của Chúa, có người biết lẽ thật thì nhận ra họ là con Chúa trong khi những người khác thì lại chưa biết. Nhưng dù họ có biết hay không thì bản chất sự thật này không hề thay đổi. Họ vẫn là con của Chúa. Họ xứng đáng có một cuộc sống hạnh phúc. Và sự hạnh phúc đó liên quan rất nhiều đến việc họ có thể tạo ra thu nhập tại quê nhà của mình hay không. Điều đó liên quan trực tiếp đến kinh doanh, vì kinh doanh là tạo ra các cơ hội việc làm.

Nơi nào có doanh nghiệp nơi đó có các cơ hội việc làm. Hoặc bạn chính là người tạo ra các cơ hội việc làm, hoặc bạn tiếp nhận những cơ hội việc làm đó từ người khác.

Vào ngày cuối đợt huấn luyện Nhà Đào Tạo Chiến Lược của Mario Brühlmann, tôi bất ngờ nhận ra mình đã đạt danh hiệu nhà đào tạo xuất sắc nhất trong chương trình. Phần thưởng của tôi là một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ Swiss Create. Đầy phấn khích trong lòng, tôi quyết định sau giờ ăn trưa phải có thời gian riêng với Chúa. Tôi ra ngoài đi dạo và cầu nguyện trên con đường Thụy Khuê ít cây nhiều nắng.

“Con có muốn trở nên giống như Mario Brühlmann không?”

Tiếng phán đến với tôi, rõ như tiếng có thể nghe được bằng tai. Tôi biết tiếng đó đến từ Chúa. Gạt hết những sự bối rối, bồi hồi kèm với lo lắng sang một bên, tôi trả lời:

“Con có muốn, thưa Chúa!”

Chưa biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào, nhưng những năm tháng theo Chúa cho tôi một kinh nghiệm lớn trong đời. Cứ nói “Vâng!” với Chúa, Ngài sẽ lo phần còn lại. Tôi chợt nhận ra câu trả lời của tôi trưa hôm đó đã dẫn tôi đến đến chính xác điều tôi đã trăn trở bấy lâu nay.

Tôi đã luôn ước ao những người phụ nữ tại Bắc Ninh kia có thể gọi cho ai đó ngay trong cộng đồng của mình để được cố vấn trước khi vay vốn.

Tôi đã luôn mong muốn những nơi tôi đã đến thăm có những người cố vấn ở ngay tại địa phương giúp nói chuyện với họ khi họ bắt đầu bước những bước đầu tiên khi làm kinh doanh.

Tôi đã luôn ước mình có thể trở thành một phần của câu trả lời cho những lời cầu nguyện và ước ao của họ.

Chiếc điện thoại của tôi rung lên khi tôi đang ẵm đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tháng tuổi của mình trong tay để vợ chợp mắt. Tôi trả lời khe khẽ để không đánh thức giấc ngủ của con bé. Sau phần hỏi thăm là một lời mời mở ra bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi.

“Chúng tôi muốn huấn luyện các nhà cố vấn kinh doanh tại Việt Nam, để họ có thể cố vấn người Việt khởi sự kinh doanh. Chúng tôi muốn mời anh làm quản lý cho dự án này. Anh sẽ được huấn luyện trực tiếp từ Mario Brühlmann và các chuyên gia Thụy Sĩ để trở thành nhà đào tạo, nhà cố vấn chiến lược. Anh có thể cầu nguyện xem Chúa có muốn anh tham gia với chúng tôi hay không?”

Tôi đã có thể trả lời đồng ý ngay lập tức với câu hỏi trên của ông Alan Henry, trưởng đại diện của Tập đoàn Tư vấn Thụy Sĩ Swiss Consulting Group tại Việt Nam. Tôi đã cầu nguyện từ trước lâu rồi, và đến lúc này lời mời của ông chính thức dẫn tôi vào một sự nghiệp và một sự kêu gọi hoàn toàn mới, chính là khởi nguồn cho sự ra đời của công ty Empower không lâu sau.

Và giờ đây, tôi thật vui mừng khi ngày càng có nhiều người cùng tham gia trong hành trình tôi đang đi, đem đến sự biến đổi cho nhiều cuộc đời.

Lê Mạnh Cường

Kết nối với tác giả

 

(Visited 388 times, 1 visits today)