Sai lầm khó đỡ về chữ “KHÁT VỌNG SỰ NGHIỆP” 

Đây là một chữ dẫn đến nhiều tranh cãi. Có người coi nó là cái “tôi” cần phải chết trong mình. Trong khi người khác thì coi nó là niềm vui khám phá thậm chí là sứ mệnh cuộc đời. 

  • Caleb chiếm thêm xứ năm 80 tuổi là khát vọng của một anh hùng
  • Nê-hê-mi xây bức tường thành trong 52 ngày là khát vọng của một anh hùng
  • Môi-se đòi bằng được Pha-ra-ôn tha cho dân Y-sơ-ra-ên đi trong khi chính dân Y-sơ-ra-ên nói với ông là “thôi để mặc chúng tôi ở đây cũng được…” Cái đó cũng là khát vọng của một anh hùng
  • Phao-lô phải giảng Tin Lành ở những nơi mà chưa ai giảng đến nỗi ông phải trả giá bằng nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp,  nguy với dân mình, nguy với dân ngoại, nguy với anh em giả dối, từng chịu đói, chịu khát, chịu đánh đòn, chìm tàu, lênh đênh giữa biển khởi. Cái đó cũng là khát vọng của một anh hùng.
  • Gia-cốp đòi bằng được để được chúc phước bởi cha mình, đòi bằng được để được thiên sứ của Chúa chúc phước đến nỗi bị đánh gãy cả chân. Cái khát vọng đó tạo nên một Y-sơ-ra-ên có nghĩa là hoàng từ của các phước hạnh. 
  • Ê-li-sê đòi theo thầy bằng được cho đến khi thầy chuyển giao sự sức dầu trên con bội phần mới thôi. Đó cũng là sự khát vọng của một anh hùng.

Điều gì sảy ra nếu chúng ta không có khát vọng? chúng ta không có lý do để phát triển bản thân, để học, để kỷ luật bản thân, để nói không với cám dỗ. Để nói không với sự chán nản và lười biếng.   

Thế giới của chúng ta được thay đổi bởi những người có khát vọng biến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Những tu sĩ lên núi diệt dục, diệt tất cả các khát vọng họ có đẻ có một cuộc sống an nhàn nhưng sự thật họ không khiến thế giới này tốt đẹp hơn. Họ chỉ lãng phí những ân tứ, tài năng thiên phú mà Chúa ban cho, để lựa chọn một cuộc sống mà họ gọi là thanh tịnh nhưng thực ra là chết trước khi tắt thở. 

Rất ít người thực sự hiểu rằng hạnh phúc và sung mãn là phần thưởng của những người chiến đấu, trả giả để có được nó, nó không từ trên trời rơi xuống, nó là phần thưởng, nó là huy chương dành cho cầu thủ nào chịu tập luyện, chịu ra sân, chịu chiến đấu để ghi bàn. Chúa có ban phước cho sự nỗ lực của chúng ta nhưng Chúa không ban phước cho sự lười biếng bao giờ. 

Vậy nên đừng giết khát vọng, khát vọng là động lực và lý do để bạn chiến đấu. khát vọng là đặt mục tiêu và cam kết thực hiện mục tiêu đó bằng được. 

Tôi biết tôi được gọi để làm người giảng dạy. Và tôi có sự lựa chọn để làm một người giảng bình thường như bao người khác, năm 18 tuổi có người nói với tôi là đừng trở nên quá khác biệt, hãy theo nguyên tắc truyền thống. Tôi không muốn, tôi muốn trở thành một người giảng tốt, sứ điệp của tôi phải giải quyết những vấn đề thực tế và thay đổi cuộc sống của người ta.  Tôi muốn làm gì cũng phải hết lòng mà làm, tôi muốn trở thành người đặc biệt, tôi muốn trở nên khác biệt, tôi muốn nỗ lực hết sức, làm việc hết lòng mình. Tôi không muốn hâm hẩm, tôi không muốn nửa vời, tôi có khát vọng cho những gì tôi làm. Khát vọng không phải tội lỗi, sống đơn giản không đồng nghĩa với thánh thiện. 

Đức tin là gì? là tin vào điều bạn đang khát vọng, đang trông mong, đang hy vọng, 

I Cô-rinh-tô 13:13 nhưng hiện bây giờ còn có 3 điều và 1 trong 3 điều đó là trông mong, là khát vọng, là ước ao. Giết chết khát vọng cuộc sống, giống như bạn rút ống dẫn xăng ra khỏi cái máy bay, bạn rút điện ra khỏi cái bóng đèn, bạn cắt nguồn nước cho một thành phố, bạn úp cái thùng lên cây nến.  

Nếu không có khát vọng thì chẳng có sự kỷ luật, chẳng có phấn đấu, chẳng có sự cải tiến, chẳng có nỗ lực, và sự thành công cũng chẳng được chào đón. Thất bại không đùng một cái đến giống như một tai nạn xe hơi hay chẳng may bạn ngã xuống hố.  Thất bại là hệ quả cộng dồn của một chuỗi dài vô kỷ luật, không phấn đấu, không khát vọng, không ước mơ, không nỗ lực. Mỗi cái chỉ rất nhỏ nhưng chúng cộng dồn lại với nhau và tạo ra một cuộc đời thất bại.

Nếu hôm nay bạn nghĩ; “tôi không học được cách viết nhật ký làm việc đâu, chỉ là chuyện nhỏ của ngày hôm nay thôi mà”

Rồi ngày mai  bạn nói; “tôi không quen đọc sách đâu! và cũng là chuyện nhỏ” của ngày mai, 

Rồi hôm sau nữa bạn nói; “tôi không học được máy tính đâu! và cũng chỉ là một chuyện nhỏ” của hôm đó 

Rồi hôm nữa bạn nói; tôi không học được cách giao tiếp đâu, khó lắm, tôi không thích nói chuyện với người lạ đâu, và nó cũng là một chuyện nhỏ thôi mà“. 

Bạn biết không? Gieo một suy nghĩ không nỗ lực, bạn gặt một hành động không nỗ lực và rồi gặt một cuộc đời không ai cần đến bạn. Hay còn gọi là giá rẻ. Đừng hỏi “Tại sao lương tôi rẻ thế”.

Bạn được kêu gọi để trở nên đắt giá. Chúa coi bạn là quý báu, đáng chuộng. Chúa nhìn bạn là một viên ngọc quý. Bạn cần phải nhìn thấy mình là một viên ngọc quý không phải là một cục đá. Nhưng ngọc quý mà không có sự đục đẽo, mài gọt, đánh bóng thì nó nhìn cũng thô như một cục đá rẻ tiền vậy. 

Hãy biến mình trở nên đắt giá hơn, hãy khiến bạn trở thành người mà người khác cần đến bạn, muốn gần bạn, muốn có bạn, muốn học từ bạn, muốn mời bạn về đội của họ. Bạn là phải luôn giữ mình khát vọng, luôn giữ mình nỗ lực, luôn phấn đấu, luôn trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân.  

“Ta sẽ đặt con lên nơi cao vì con biết danh ta (Thi 91:14).  

Ta sẽ cho con đứng đằng đầu chẳng đứng đằng đuôi,… con sẽ được của cải nhiều dư dật…, con sẽ đứng nơi cao luôn luôn, chẳng ở dưới thấp (Phục 28: 11, 14).  

Phần thưởng của sự khiêm nhường và sự kính sợ Đức Giê-hô-và là gì? là danh tiếng, giàu có và sống lâu cách mạnh khỏe. (Châm 22:4)

Lê Mạnh Cường

(Visited 218 times, 1 visits today)

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *